Theo sách đông y, nha đam có vị đắng, tính hàn nên có tác dụng thông đại tiện, mát huyết, giải nhiệt cho cơ thể trong những ngày hè nóng.
Phần thịt nha đam có thể chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau như: nhúng bột chiên giòn, làm gỏi, nấu chè đậu xanh, nấu với củ sen và nhãn nhục, trộn salad, hấp với cá... nhưng đơn giản và hiệu quả nhất là trộn với đườg cát, ướp lạnh rồi ăn tươi hoặc làm nước mát.
Tuy nhiên, những người có vấn đề về đường ruột thì không nên ăn nha đam dễ dẫn đến tiêu chảy. Do nha đam có vị đắng rất khó ăn, khó uống vì thế, sau khi gọi vỏ ngoài nên rửa qua nước muối loãng trước khi chế biến.
Vì chứa nhiều sinh tố: A, C, E, B1... cùng nhiều khoáng chất khác như: canxi, kali, kẽm, crôm... nên nha đam có rất nhiều công dụng. Nha đam giúp giảm đau, trị viêm da, ngăn ngừa tối đa sự xâm nhập của các vi khuẩn và độc tố. Ngoảia, nha đam còn có khả năng kích thích chất insulin tiết ra từ tùy tạng, làm giảm lượng đường trong máu nên góp phần điều trị bệnh tiểu đường.
Làm đẹp với nha đam
Nha đam là loại dược phẩm làm đẹp và có ích cho làn da được nhiều chị em lựa chọn. Tuy nhiên, do nha đam có chất tẩy khá mạnh nên các chuyên gia đã khuyên rằng không nên dùng nếu da mẫn cảm, dễ kích ứng. Cắt phần thịt nha đam thành những lát mỏng rồi đắp lên mặt hoặc giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt, pha thêm ít nước lọc rồi bôi đều lên mặt giúp da mềm mại, mịn màng và làm mờ những vết tàn nhang. Tuy nhiên, cũng không nên làm thường xuyên, mỗt tuần chỉ làm từ 2 đến 3 lần, mỗi lần khoảng 15 đến 20 phút.
Mặt khác, nha đam còn có thể làm dịu những vết bỏng nhẹ trên da do tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời, ngăn ngừa sự phát triển của những mụn rộp, làm mát và giữ ẩm cho da. Không chỉ vậy, những lát nha đam cắt mỏng đắp trên mắt cũng làm cho mắt mát hơn, chú ý phải nhắm kín mắt và chỉ đắp khoảng 15 phút.
Chế biến nước nha đam: Dùng 200g nha đam tươi, rửa sạch, gọt bỏ vỏ ngoài, giã nát, cho thêm 200ml nước lọc, ép (hoặc vắt) lấy nước cốt uống ngay. Nếu không, có thể xay thành sinh tố, để tủ lạnh uống trong ngày. Nên cho thêm ít đường cát để dễ uống hơn. Lưu ý, phụ nữ mang thai hoặc các trường hợp xuất huyết không nên uống nước nha đam.
Sơ chế nha đam để dùng dần: Nha đam có rất nhiều nhớt, rất khó cắt nhỏ. Vì thế, sau khi gọt bỏ vỏ xanh và gai bên ngoài, lấy phần thịt bên trong cắt từng khúc khoảng 5cm.
Ngâm trong nước vôi loãng khoảng 1 giờ (vôi ăn trầu), thấy hơi cứng thì vớt ráo và xả sạch bằng nước lạnh. Cắt thành từng khối vuông nhỏ khoảng 1 cm, xóc đều với đường cát trắng mịn, cứ 500g nha đam thì với 150g đường, sau đó cho vào hộp để tủ lạnh dùng dần. Nha đam "hột" có thể cho vào cocktail trái cây, nước cam, chè đậu xanh...